Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 09:49

Hỏi - Đáp

Quyền và trách nhiệm của CĐCS trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

15/01/2016

Câu hỏi: Quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở (CĐCS) trong công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được pháp luật quy định thế nào?

Câu hỏi: Quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở (CĐCS) trong công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được pháp luật quy định thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 10 - Luật ATVSLĐ (Luật số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016), CĐCS có các quyền, trách nhiệm sau đây:

1. Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động.

2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về ATVSLĐ trong thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp đỡ người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm.

3. Đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về ATVSLĐ.

4. Tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác ATVSLĐ; giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về ATVSLĐ; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

5. Kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.

6. Tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn và người lao động.

7. Yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

8. Tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này (*); tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động để ứng cứu, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động; trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ khai báo theo quy định tại Điều 34 của Luật này (**) thì CĐCS có trách nhiệm thông báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35 của Luật này để tiến hành điều tra.

9. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.

10. Những cơ sở SXKD chưa thành lập CĐCS thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm quy định tại Điều này khi được người lao động ở đó yêu cầu.

-------------------

(*) Trích Khoản 1, Điều 35 - Luật ATVSLĐ

 … Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gồm có người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Ban chấp hành CĐCS hoặc đại diện tập thể người lao động khi chưa thành lập tổ chức CĐCS, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế và một số thành viên khác.

(**) Trích Điều 34 - Luật ATVSLĐ

1. Việc khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ thực hiện như sau:

a) Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra;

b) Đối với các vụ tai nạn quy định tại điểm a khoản này làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khai báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương,…

 2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết tin báo về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, thông báo kết quả giải quyết tin báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin khi có yêu cầu và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người đã báo tin.

 Nguyễn Thị Thái - CĐNHVN