Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 20:53

Tin hoạt động ngân hàng

Mua ngân hàng 0 đồng là bảo vệ người gửi tiền

26/10/2015

Bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, TS. Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng về những giải pháp trong thực hiện tái cơ cấu các TCTD thời gian qua.

Bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, TS. Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng về những giải pháp trong thực hiện tái cơ cấu các TCTD thời gian qua.


Thưa ông, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu có nêu con số nợ xấu chỉ còn 2,9%, ông nhìn nhận gì về con số này?

Tôi cho rằng không có gì bất ngờ khi con số nợ xấu đã được giảm xuống mức dưới 3%, bởi NHNN đã đưa ra lộ trình và quyết tâm giảm tỷ lệ nợ xấu rất rõ ràng. Còn nếu vẫn có ý kiến cho rằng số lượng nợ xấu bán cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) là chưa được xử lý tận gốc là câu chuyện hoàn toàn khác.

Vì cách nhìn nợ xấu là dựa trên bảng cân đối nợ trong tài khoản của hệ thống NHTM. Khi nhìn trên bảng cân đối kế toán của NHTM thì nợ xấu đã giảm xuống. Nhiều DN là “con nợ” trước đây đã được quyền vay vốn mà không vướng nợ xấu.

Cùng với việc bán nợ xấu cho VAMC, các NH còn tự xử lý qua trích lập dự phòng rủi ro. Đó cũng là lý do vì sao lợi nhuận ngân hàng chưa lúc nào thấp như lúc này do phải gom lại để xử lý nợ xấu.

Theo ông, nợ xấu giảm đã tác động thế nào đến tăng trưởng tín dụng?

Việc các NH xử lý được nợ xấu đã hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng. Dư nợ tín dụng hiện nay tăng khá mạnh và có thể đạt mục tiêu 17%. Điều này cũng chứng tỏ điểm nghẽn, “cục máu đông” nợ xấu đã được bóc tách ra, giúp dòng chảy tín dụng thông thoáng hơn.

Ngoài ra, tín dụng tăng cũng có sự hỗ trợ hiệu quả từ chương trình kết nối NH-DN. Thông qua chính sách này, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều DN về nguyên tắc là không được vay, nhưng NH đã cùng với chính quyền địa phương xem xét, rà soát, nếu DN nào vẫn đang làm ăn tốt thì được bơm vốn cho vay.

Qua đó, đã có hơn 5.000 DN trên địa bàn Thành phố có cơ hội phục hồi sản xuất, trả nợ tốt. Chương trình cho vay này giống như nuôi nợ, để đòi nợ - một cách làm sáng tạo.

Đặc biệt, tín dụng cũng tăng khi được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất cho vay chỉ 6 -7%/năm với nông nghiệp, DNNVV, công nghệ cao, xuất khẩu… mang lại hiệu quả. Hiện nay nhóm cho vay lĩnh vực ưu tiên này tại TP. Hồ Chí Minh đã chiếm khoảng 60% - 70% dư nợ tín dụng.

Thế còn vấn đề NHNN mua một số NHTMCP với giá 0 đồng đang được dư luận quan tâm?

Dư luận gần đây đề nghị NHNN phải làm rõ vấn đề mua NH 0 đồng, nhưng tôi thì lại không hiểu là phải làm rõ cái gì. Ở nhiều nước trên thế giới người ta đã thực hiện hình thức này. Chỉ khác là ở mình mua NH 0 đồng, các nước gọi là 1 đồng. Ở Việt Nam trong điều kiện vừa rồi NHNN phải mua lại 3 NHTMCP với giá 0 đồng là do các NH đó đã bị “ăn” hết phần vốn chủ sở hữu.

Tại sao vấn đề đặt ra là không cho NH đó phá sản mà NHNN phải mua lại với giá 0 đồng? Theo tôi, nếu để NH phá sản thì thực sự nó gây bất lợi cho người gửi tiền. Cách mua NH 0 đồng của NHNN trước hết và trên hết là nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Trước đây, trước khi thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD, Chính phủ cũng đã nói rằng, không để người gửi tiền mất tiền thì không có lý do gì để NH phá sản.

Chúng ta chưa thể hình dung được nếu những NH đó đổ vỡ, người dân ồ ạt rút tiền khiến NH mất khả năng thanh khoản thì vấn đề gì sẽ xảy ra với tình hình chính trị - xã hội. Phải nhìn trên góc độ đó để hiểu thêm vì sao NHNN phải mua NH với giá 0 đồng.

Như vậy, mua NH giá 0 đồng là giải pháp cần thiết trong bối cảnh vừa qua?

Như tôi đã nói, mục đích của việc NHNN mua lại NHTM là nhằm bảo vệ người gửi tiền. Tôi tin rằng, sau khi Nhà nước mua lại các NH này, nợ xấu được xử lý, thì quá trình hoạt động tự nó sẽ phục hồi lại và NH bị mua lại 0 đồng sẽ trả các khoản nợ đó chứ không phải Nhà nước bỏ tiền ra.

Nói cách khác, Nhà nước bảo lãnh cho NH đó không bị phá sản và để cho nó phục hồi chứ không phải Nhà nước bỏ tiền ra để trả nợ thay. NHNN không bỏ tiền ra trả nợ thay các NH 0 đồng. Mà với uy tín của NHNN thì các NH đó sẽ tiếp tục vận hành, tiếp tục hoạt động để tạo ra lợi nhuận. Nhiều NH trên thế giới đã làm như vậy.

Việc giảm 17 TCTD sau giai đoạn tái cơ cấu được ông đánh giá thế nào?

Phải khẳng định rằng, việc giảm số lượng NH thời gian qua là tốt. NHNN đã xử lý khắc phục tình trạng, cái sai trước đây là ồ ạt phát triển NH khi đưa các NHTMCP nông thôn lên thành NH đô thị và đã phải hứng chịu hệ quả. Việc giảm số lượng NH cũng là kết quả quan trọng mà trong 4 - 5 năm qua NHNN đã xử lý được từng bước.

Xin cảm ơn ông!

Theo thoibaonganhang.vn

Tin cùng chuyên mục