Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 09:58

Gương tiêu biểu

Vốn chính sách về với bản làng Tây Nguyên

13/10/2015

Tuy mới thành lập được hơn 6 năm (6/2009), song NHCSXH thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đã hỗ trợ kịp thời cho hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã từ 12,2% (năm 2010) xuống còn 3% (năm 2015).

Tuy mới thành lập được hơn 6 năm (6/2009), song NHCSXH thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đã hỗ trợ kịp thời cho hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã từ 12,2% (năm 2010) xuống còn 3% (năm 2015).

Gia đình anh H’Boong MLô ở buôn Ên KgoK.B là một trong những điển hình thoát nghèo ở xã Ea Drông. Hơn 5 năm trở về trước, cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ người dân tộc Ê Đê này gặp rất nhiều khó khăn. Được NHCSXH thị xã cho vay vốn chương trình hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, vợ chồng anh đã đầu tư nuôi 1 cặp bò sinh sản và khai hoang đất đồi trồng 2 sào cà phê.

Đầu năm 2014, sau khi trả hết nợ vay cũ đúng kỳ hạn, anh mạnh dạn vay 45 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình hộ cận nghèo để mua giống mới, khoan giếng lấy nước tưới, mở rộng vườn cà phê lên 1ha, 100 gốc tiêu… Tới nay, cặp bò của gia đình H’Boong MLô đã sinh sản nhiều lứa bê, vườn cà phê cho thu nhập trung bình gần trăm triệu đồng mỗi năm; cuộc sống của vợ chồng và con cái anh được cải thiện. “Nhờ đồng vốn vay ưu đãi mà vườn cây trái nhà mình ngày càng xanh tốt, cho hạt đều, đàn gia súc cũng béo khỏe, sinh sản đều đặn. Cứ đà này nhà mình chẳng mấy thoát nghèo, lại giàu nữa”, anh H’Boong MLô phấn khởi khoe với chúng tôi.

Anh H’Boong MLô chăm sóc vườn cà phê của gia đình

Là một trong những hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thôn Tây Hà 5, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, do hoàn cảnh con đông, cả gia đình chị Bùi Thị Hưng chỉ biết trông chờ vào 6 sào đất cằn cỗi trong vườn cùng với công việc làm thuê của vợ chồng chị nhưng cái nghèo vẫn bám riết. Năm 2014, gia đình chị được Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay 17 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân; đồng thời tín chấp với NHCSXH thị xã để gia đình chị được vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi. Từ nguồn vốn này chị đã mạnh dạn mua 3 con bò, 4 con dê cộng với nuôi lợn, tận dụng nguồn phân để trồng rau. Nhờ được đầu tư chăm sóc cộng với kiến thức được truyền đạt qua các lớp tập huấn, sau một thời gian gia đình chị Hưng đã xuất được 2 lứa dê thịt thu về hơn 30 triệu đồng.

Đến nay gia đình chị đã phát triển được đàn dê lên 30 con, 3 con bò đang trong giai đoạn chuẩn bị sinh sản. Ước mơ thoát nghèo của gia đình chị Hưng chỉ còn là vấn đề thời gian. “Thật là ngoài mong ước của gia đình, chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn, tích góp xây dựng ngôi nhà để che mưa che nắng, xây dựng thêm mô hình trồng hoa để nâng cao thu nhập, kiếm thêm nguồn thu”, chị Hưng phấn khởi nói.

Hộ anh H’Boong MLô, hay hộ chị Bùi Thị Hưng chỉ là hai trong số hàng nghìn hộ dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Hiện, tổng dư nợ vốn chính sách trên địa bàn thị xã đạt 181 tỷ đồng. Để tạo điều kiện cho hộ vay tiết kiệm chi phí đi lại, hàng tháng ngân hàng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức giao dịch tại các xã, phường vào ngày cố định hàng tháng, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Các chính sách tín dụng, ưu đãi cũng được thông báo kịp thời, công khai tại các Điểm giao dịch giúp các đối tượng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn. Cách làm này đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các gia đình khó khăn nhưng không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi cũng như tham gia giảm nghèo bền vững.

Giám đốc NHCSXH thị xã Buôn Hồ, Hà Quốc Dũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong thời gian tới là tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, chú trọng kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên nâng cao năng lực quản lý vốn cho các Tổ trưởng.

 

Phương Linh

Tin cùng chuyên mục