Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 09:42

Gương tiêu biểu

Đổi thay trên cao nguyên đất đỏ

07/10/2015

Với việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã có những đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Với việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã có những đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Với mạng lưới giao dịch tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của Chi nhánh đạt 2.249 tỷ đồng với gần 100 nghìn hộ vay còn dư nợ, đạt 99,3% kế hoạch năm. Đặc biệt, yếu tố chất lượng tín dụng của Chi nhánh rất được chú trọng và đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức 0,34%.

Đạt được những kết quả trên, theo nhận định của ông Huỳnh Thanh Lân - Giám đốc NHCSXH tỉnh thì phải kể đến sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Ban đại diện HĐQT và chính quyền các địa phương trong công tác triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi. Theo đó, Chi nhánh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình tín dụng nhằm không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư vốn. Để đáp ứng nguồn vốn và thực hiện đầu tư đúng đối tượng, Chi nhánh đã chủ động phối hợp với ngành LĐTB&XH nhằm xác định các đối tượng vay vốn đảm bảo đúng, trúng và hiệu quả. Ngoài ra, trong các chương trình tín dụng có tính đặc thù, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao và đảm bảo hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách.

Nguồn vốn ưu đãi đã trở thành “bà đỡ” đồng bào dân tộc trên cao nguyên Lâm Đồng phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Cuối năm 2014, Ban Bí thư TW Đảng đã có Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Văn bản số 4777-CV/TU ngày 23/1/2015 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, NHCSXH tỉnh đã củng cố kiện toàn kịp thời thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp và bổ sung 100% chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện.

Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng chú trọng thực hiện các giải pháp giảm nợ quá hạn tại những huyện, xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên mức bình quân chung toàn tỉnh, đảm bảo 100% các khoản nợ quá hạn đều được phân tích nguyên nhân, đánh giá khả năng trả nợ và có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả. Rà soát, phân tích từng khoản nợ lãi tồn đọng để đưa ra giải pháp đôn đốc thu hồi. Gắn việc thực hiện các chỉ tiêu tín dụng, trong đó có chỉ tiêu thu lãi hàng tháng đến từng cán bộ để thực hiện tốt việc thu lãi hàng tháng. Phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức thực hiện nghiêm túc văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác, trong đó tập trung củng cố và nâng cao chất lượng ủy thác của tổ chức hội cấp xã…

 “Mục tiêu cuối cùng của ngân hàng vẫn là nỗ lực đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách; giúp hộ vay có điều kiện sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Huỳnh Thanh Lân nhấn mạnh.

Nguồn vốn cho vay từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, đã có 2.178 hộ nghèo, 7.205 hộ cận nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 699 lao động; trên 5.000 HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng 6.191 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn…

Đến với Đam Rông - huyện nghèo “điểm” của cả nước - một trong các huyện trong cả nước được chọn để thực hiện thí điểm Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chúng tôi đã “mục sở thị” về Điểm giao dịch lưu động của NHCSXH tại xã Phi Liêng, cách thành phố Đà Lạt hơn 100km, nhưng từ sáng sớm bà con đã đến rất đông.

Ông K’Bang, người dân tộc K’Ho, trước đây vốn là chủ hộ nghèo nhất, nhì thôn Dang Sim cho biết, nhờ may mắn được vay vốn ưu đãi mới khai hoang được đất, mua giống cây vật tư phân bón để trồng, chăm sóc vườn cà phê. Dần dà qua thời gian, cây trồng xanh tốt, đàn heo béo khỏe giúp gia đình ông có thu nhập ổn định, ông K’Bang mạnh dạn vay tiếp vốn chính sách mở rộng cơ ngơi vườn cà phê, bắp lai, nuôi thêm 2 con bò sinh sản. Cuối năm 2013 nhà ông thoát nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng. Tháng 9 vừa qua, gia đình ông lại được xét duyệt cho vay tiếp vốn chính sách của chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo.

Nhận 50 triệu đồng mới nguyên nếp từ tay cán bộ tín dụng NHCSXH huyện, lão nông người K’Ho bộc bạch nói với chúng tôi: “Đây là lần thứ 3 được đồng vốn ưu đãi của Chính phủ tiếp sức, gia đình tôi sẽ tăng gia sản xuất, nhất quyết thoát nghèo vững bền. Cảm ơn Đảng, Chính phủ rất nhiều”.

Những kết quả tích cực mà các chương trình tín dụng chính sách đem lại tại Lâm Đồng đã từng bước hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Phương Linh

 

 

Tin cùng chuyên mục