Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 20:35

Tin hoạt động ngân hàng

NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh tiếp tỷ giá

25/08/2015

NHNN khẳng định sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016

NHNN khẳng định sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016.


Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, những ngày qua, thị trường có những biến động nhất định. Tuy nhiên, theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tỷ giá biến động chủ yếu do tâm lý và có thể là do tin đồn để đầu cơ, trục lợi.

Nhấn mạnh, với mức điều chỉnh vừa qua là đã rất mạnh rồi và NHNN đã lường đón trước những biến động kể cả biến động phá giá đồng Nhân dân tệ và khả năng Fed điều chỉnh tăng lãi suất, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đây là một biện pháp đi trước một bước nên NHNN khẳng định với việc điều chỉnh như vừa rồi là đã tạo ra vị thế cạnh tranh của Đồng Việt Nam và cũng đủ mức độ để linh hoạt, để đáp ứng với những diễn biến của thị trường.

"Do vậy, NHNN sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016", Phó Thống đốc khẳng định.

Cho rằng kỳ vọng về việc tỷ giá còn có thể tăng là không có cơ sở, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, NHNN đã chia thành hai lần điều chỉnh, điều chỉnh cả biên độ và điều chỉnh tỷ giá. Lý do cho lần điều chỉnh thứ nhất là để ứng phó với việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và lần thứ 2 cũng với một thông điệp rất rõ ràng tức là để ứng phó với những biến động có thể xảy ra như việc FED có thể điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới đây.

Đặc biệt, trong lần điều chỉnh thứ hai này, NHNN đã cân nhắc rất kỹ. Mặc dù cũng có ý kiến cho rằng mức điều chỉnh như vậy là quá lớn. Tuy nhiên cuối cùng NHNN đã quyết định điều chỉnh ở một mức tương đối lớn để ổn định trong một thời gian dài. Điều này còn có một hiệu ứng rất quan trọng khác nghĩa là nó càng kéo dài thì tâm lý giữ ngoại tệ hoặc dịch chuyển tài sản từ nội tệ sang ngoại tệ sẽ giảm đi. "Chẳng ai dại gì mà giữ đô la 7-8 tháng trời để được nửa điểm % cả, trong khi lãi suất tiền Việt hiện đang rất tốt", TS. Nghĩa nói.

Liên quan đến khả năng Mỹ điều chỉnh lãi suất, ông cho biết đã trao đổi với các chuyên gia của Mỹ, họ cũng cho rằng đợt điều chỉnh này Mỹ sẽ rất thận trọng, nhất là sau khi Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ.

Sở dĩ như vậy là do, nếu Mỹ tăng lãi suất đồng USD có thể khiến thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ. Đây là điều Quốc hội Mỹ sẽ phản đối mạnh.

Thứ hai, hiện lạm phát của Mỹ đang rất thấp nên nếu điều chỉnh cũng chỉ điều chỉnh trong khung lạm phát để tránh cho nền kinh tế rơi vào trạng thái thiểu phát thì còn nguy hiểm hơn.

Thứ ba, cả thế giới hiện có  kinh tế Mỹ là phục hồi tương đối vững vàng, trong khi các nước còn lại vẫn còn đang khó khăn. Rất nhiều ngân hàng Trung ương các nước đã nới lỏng tiền tệ nên Mỹ cũng không dại gì điều chỉnh để khiến đồng tiền của mình mạnh thêm.

"Như vậy, trước tâm lý kỳ vọng FED điều chỉnh lãi suất, NHNN Việt Nam đã lường trước những biến động và đã có những điều chỉnh tương đối mạnh để duy trì ổn định trong một thời gian tương đối dài, nên từ nay cho đến hết quý I năm sau tôi nghĩ là sẽ không có điều chỉnh", ông nhấn mạnh.

Nói về tác động của lần điều chỉnh tỷ giá này tới nền kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, những tác động từ lần điều chỉnh này phần lớn là những tác động rất tích cực. Nhiều doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm khi Chính phủ đã có một đối sách thực sự trước việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Rõ ràng lần điều chỉnh này là NHNN đã chủ dẫn dắt thị trường để ứng phó với các biến động thị trường có thể xảy ra.

"Theo mô hình tính toán của chúng tôi, mô hình mà hiện NHNN cũng đang sử dụng, nếu tăng 1% tỷ giá hối đoái có thể làm tăng lạm phát trong ngắn hạn lên 0,13% tức là không lớn, không đáng kể. Trong khi GDP thì có tác động ngược lại bởi việc tăng tỷ giá sẽ khuyến khích xuất khẩu và xuất khẩu tăng cũng đồng nghĩa thâm hụt thương mại sẽ giảm, như vậy tăng trưởng GDP sẽ tốt hơn", ông cho biết thêm.

Cũng chung quan điểm lần điều chỉnh tỷ giá này tác động đến lạm phát không lớn, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, CPI chắc chắn sẽ nhích lên nhưng trong điều kiện CPI rất thấp như hiện nay thì lạm phát cả năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát, vẫn ở dưới mức 5% như mục tiêu đã đề ra.

Trong khi việc tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% và tăng biên độ giao dịch đôla Mỹ lên +/-3% , cũng có nghĩa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sẽ có mức giảm từ 3 - 5% tại các thị trường xuất khẩu như Nhật, EU, Mỹ. Hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam rẻ hơn cũng có nghĩa là cơ hội tăng xuất khẩu cao lên. "Xuất khẩu sẽ được hỗ trợ nhiều khi tỷ giá điều chỉnh", ông cho biết.

 

 Theo thoibaonganhang.vn

Tin cùng chuyên mục