Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 22:08

Công tác nữ công

Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng: Nhiều mục tiêu về đích sớm

19/06/2015

Trước thềm Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 ngành Ngân hàng, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có buổi phỏng vấn Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng về hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng trong thời gian qua.

Trước thềm Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã trả lời phỏng vấn của báo chí về hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng trong thời gian qua. 

Website CĐNHVN xin đăng tải toàn bộ bài phỏng vấn.

P.V: Là một cán bộ nữ có nhiều năm hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) ngành Ngân hàng, vậy theo Phó Thống đốc đâu là điểm khác biệt trong hoạt động VSTBP Nngành Ngân hàng?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng được Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN rất quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt, trong việc ban hành cơ chế về công tác quy hoạch cán bộ nữ cũng như trong đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và các chính sách đối với cán bộ nữ.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010), Ban VSTBPN ngành Ngân hàng đã tham mưu cho Thống đốc NHNN ban hành  Quyết định số 2162/QĐ-NHNN ngày 30/9/2011 về Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2015 (KHHĐ). KHHĐ đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc thù của Ngành để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng.

Đồng thời, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các Ban cơ sở tích cực tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Công ước CEDAW; Quyết định số 2351/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tuyên truyền, phố biến về Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn; Kế hoạch hành động về bình đẳng giới và VSTBPN ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2015. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho các cấp lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành.

Bên cạnh đó, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng được thành lập và thường xuyên kiện toàn theo quy định tại Chỉ thị số 27/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hoạt động VSTBPN các Bộ, Ngành, gồm: 01 Phó Thống đốc làm Trưởng Ban, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ làm Phó Trưởng Ban Thường trực, Chánh Văn phòng làm Phó Trưởng Ban, các Ủy viên là đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục Ngân hàng Trung ương, Đại diện lãnh đạo các ngân hàng TMCP Nhà nước. 100% đơn vị trực thuộc đã thành lập Ban VSTBPN theo hệ thống và địa bàn.

Tại các ngân hàng TMCP Nhà nước, Ban VSTBPN do đồng chí Tổng Giám đốc hoặc 01 Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng Ban; Tại 63 tỉnh, thành phố, thành lập Ban VSTBPN ngân hàng trên địa bàn do Giám đốc hoặc Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh làm Trưởng Ban. Các Ban cơ sở trong Ngành đã bố trí cán bộ thuộc Vụ (hoặc Bộ phận) tổ chức cán bộ có đủ năng lực, trình độ để giúp việc cho Ban dưới hình thức kiêm nhiệm, các Ban đều có Quy chế hoạt động, thống nhất lề lối làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban.

Ban VSTBPN ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các Ban cơ sở thường xuyên kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động, kịp thời bổ sung, thay thế khi có thành viên chuyển công tác, được bổ nhiệm chức vụ mới hoặc nghỉ hưu, đảm bảo trong Ban luôn đủ về cơ cấu, số lượng.

Đặc biệt, trong bộ máy tổ chức của Ban VSTBPN ngành Ngân hàng và các Ban cơ sở, Thủ trưởng các đơn vị là Trưởng ban hoặc ủy viên, do đó công tác nữ và vấn đề bình đẳng giới đã được chú trọng quan tâm. Đó cũng chính là điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong Ngành.

P.V: Là một trong những ngành có tỷ lệ nữ cao, theo Phó Thống đốc điểm nhấn trong chính sách đối với cán bộ nữ ngành Ngân hàng là gì?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng:  Ban VSTBPN ngành Ngân hàng đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, Đảng ủy Cơ quan NHTW, Công đoàn Ngành trong việc lồng ghép các vấn đề giới, bình đẳng giới trong xây dựng cơ chế, quy chế cụ thể, đặc biệt là trong công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tại hướng dẫn số 424-HD/BCSĐ ngày 14/8/2013 của Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ: “Trong danh sách quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Cán sự Đảng quản lý của đơn vị phải đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ không dưới 15%. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ cán bộ nữ như nêu trên thì đơn vị phải có báo cáo giải trình cụ thể để Ban Cán sự Đảng xem xét, quyết định hoặc bổ sung nhân sự từ đơn vị khác vào nguồn quy hoạch của đơn vị”. 

Tại văn bản số 868/KH-ĐUNH ngày 12/12/2012 của Đảng ủy Cơ quan Ngân hàng TW triển khai công tác Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng bộ Cơ quan NHTW giai đoạn 2015-2020 quy định “cơ cấu cán bộ nữ trong cấp ủy và ban thường vụ không dưới 15%”.

Văn bản số 780/HD-CĐNH ngày 19/11/2014 của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp Công đoàn trực thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2018-2023 cũng quy định rõ về tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch “Bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ không dưới 15% trong quy hoạch ban chấp hành, Ban thường vụ công đoàn các cấp. Đồng thời, thực hiện chủ trương: đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên nhất thiết phải có cán bộ nữ trong cơ cấu quy hoạch cán bộ lãnh đạo (ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực)".

Các văn bản này là cơ sở để công tác cán bộ nữ được quan tâm đến ngay từ khâu quy hoạch, tạo tiền đề cho công tác bổ nhiệm cán bộ.

P.V: Qua 05 năm thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới vàVSTBPN ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2015, đến nay, hoạt động bình đẳng giới và VSTBPN ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả gì thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tặng hoa chúc mừng nữ CNVCLĐ ngành Ngân hàng nhân Lễ phát động thi đua năm 2015

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng:  Mục tiêu tổng quát của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Ngân hàng đã cụ thể hóa các mục tiêu cụ thể của Chiến lược quốc gia. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN và cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trong công tác bình đẳng giới, đến nay, hầu hết các chỉ tiêu đạt tỷ lệ cao và vượt kết hoạch đề ra; Cụ thể:

- Sau 07 năm (từ 2007), đến tháng 7/2014, Ngành Ngân hàng đã có lãnh đạo nữ trong Ban Lãnh đạo Ngành (có 15/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ chủ chốt là nữ). Tỷ lệ cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch trong toàn ngành là 44% là một tỷ lệ cao, đây là tiền đề, cơ sở để nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý.

Đối với chức danh Vụ trưởng và tương đương: tỷ lệ nữ chiếm 18,5%; Phó Vụ trưởng và tương đương: tỷ lệ nữ chiếm 37,5%; Giám đốc Chi nhánh: tỷ lệ nữ 12,6%; Phó Giám đốc Chi nhánh, tỷ lệ nữ chiếm 29,6%; Đối với Khối doanh nghiệp: tỷ lệ nữ là Ủy viên HĐQT, Ban Điều hành chiếm 20,5%. Cán bộ nữ giữ chức vụ trưởng phòng tại các đơn vị chiếm tỷ lệ cao: từ 42-50%, phó trưởng phòng từ 52%-60%.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia VSTBPN Việt Nam, chức danh Vụ trưởng và tương đương là nữ đạt 10,87%, Phó Vụ trưởng và tương đương là nữ đạt 18,21%, Trưởng phòng là nữ đạt 25,9%. Như vậy, so với bình quân chung cả nước, tỷ lệ nữ ngành Ngân hàng tham gia lãnh đạo, quản lý đạt khá cao, cho thấy, nam và nữ ngành Ngân hàng ngày càng bình đẳng trong tham gia lãnh đạo, quản lý.

- Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy là 45%, vượt chỉ tiêu đề ra (30%); Số lượng nữ cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học chiếm tỷ lệ 52%, vượt kế hoạch đề ra (50%); Tỷ lệ nữ công chức, viên chức, người lao động được đào tạo nâng cao về nghiệp vụ, chính trị, hành chính, tin học và ngoại ngữ đạt 56,7%, vượt chỉ tiêu đề ra (50%).

- Với đặc thù là ngành kinh tế có tỷ lệ cán bộ nữ cao, Ban lãnh đạo NHNN và Ban lãnh đạo các đơn vị trong Ngành luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ nữ. Hàng năm, 100% các đơn vị đều tổ chức từ 1-2 đợt khám sức khỏe cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói chung và tổ chức khám một số bệnh chuyên khoa nữ cho cán bộ, công chức nữ.

- Trong năm 2014, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng cũng đã tổ chức tập huấn kiến thức về giới, bình đẳng giới và các kỹ năng hoạt động trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho cán bộ là Thư ký Ban VSTBPN cơ sở, từ đó nâng cao nhận thức và các kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại các đơn vị.

P.V: Để công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng đạt được những kết quả cao hơn trong thời gian tới, theo Phó Thống đốc cần phải quan tâm đến những điều gì?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng:  Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bình đẳng giới và VSTBPN ở một số đơn vị trực thuộc vẫn còn một số hạn chế. Tỷ lệ phụ nữ đứng đầu các đơn vị trực thuộc còn chưa cao (13/100 đơn vị). Tỷ lệ nữ làm công tác quản lý tuy có tăng cao so với trước nhưng chưa tương xứng với tỷ lệ cán bộ nữ của các đơn vị trong Ngành.

Nhận thức về công tác bình đẳng giới và VSTBPN có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ và đúng mức, xem công tác VSTBPN là việc riêng của phụ nữ hoặc giao cho Ban Nữ công - Công đoàn thực hiện. Bản thân một số cán bộ nữ vẫn còn tư tưởng an phận, ngại thay đổi môi trường công tác, chưa cố gắng vươn lên để đảm nhận vị trí lãnh đạo quản lý. 

Vì vậy, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Bình đẳng giới, cũng như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch hành động về bình đẳng giới và VSTBPN ngành Ngân hàng, trong năm 2015, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/BCT về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 57/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ về bình đẳng giới, từ đó tạo sự chuyển biến sâu sắc trong các cấp lãnh đạo, trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Bên cạnh đó, Ban VSTBPN ngành Ngân hàng tích cực chỉ đạo các Ban VSTBPN cơ sở phối hợp chặt chẽ với Ban Lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể trong đơn vị để tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về giới, bình đẳng giới và công tác nữ phù hợp với điều kiện công tác của đơn vị; Tiếp tục tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN triển khai lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và VSTBPN trong xây dựng cơ chế, quy chế; Phối hợp chặt chẽ hơn với Ủy ban Quốc gia VSTBPN Việt Nam để xây dựng các chương trình đào tạo tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới và công tác nữ.

Ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Ban VSTBPN cơ sở kiện toàn Ban VSTBPN tại đơn vị, tích cực triển khai thực hiện các nội dung của KHHĐ tiến tới Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 ngành Ngân hàng (sẽ tổ chức vào tháng 9/2015 tại Hà Nội), từ đó góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2015.

Xin cảm ơn Phó Thống đốc!

Thanh Thủy (theo thoibaonganhang)

Tin cùng chuyên mục