Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025 | 09:02

Hỏi - Đáp

Cán bộ công đoàn - Nhiệm vụ và quyền hạn.

10/06/2015

1. Thế nào là cán bộ công đoàn, văn bản pháp luật nào quy định?

1. Thế nào là cán bộ công đoàn, văn bản pháp luật nào quy định?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 – Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Khóa XI), thì cán bộ công đoàn là người đảm nhiệm các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại đại hội hoặc hội nghị công đoàn; được cấp công đoàn có thẩm quyền chỉ định, công nhận, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Cán bộ công đoàn gồm: Cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách. Cụ thể:

1.1. Cán bộ công đoàn chuyên trách là người đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức công đoàn, được đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền của công đoàn bổ nhiệm, chỉ định.

1.2. Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, do đoàn viên tín nhiệm bầu vào các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên và được cấp có thẩm quyền của công đoàn công nhận hoặc chỉ định.

Và theo Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN, cán bộ công đoàn theo quy định tại Điều 5 – Điều lệ Công đoàn Việt Nam nói trên, bao gồm:

-          Tổ trưởng, tổ phó công đoàn;

-          Ủy viên BCH công đoàn các cấp;

-          Ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp;

-          Ủy viên các ban quần chúng công đoàn các cấp;

(thông qua kết quả bầu cử hoặc cấp công đoàn có thẩm quyền chỉ định)

-          Và những cán bộ, công chức làm công tác nghiệp vụ công đoàn trong bộ máy tổ chức của công đoàn các cấp.

(Cũng tại Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam hiện hành, thì cán bộ công đoàn chuyên trách và không chuyên trách do tổ chức công đoàn ra quyết định công nhận, theo phân cấp đối với từng cấp công đoàn).

2. Cán bộ công đoàn có nhiệm vụ gì và quyền hạn của cán bộ công đoàn ra sao?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là theo quy định tại Điều 6 – Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Khóa XI): Ngoài những nhiệm vụ và quyền của người đoàn viên, cán bộ công đoàn còn có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

2.1. Cán bộ công đoàn có các nhiệm vụ:

-          Liên hệ chặt chẽ với đoàn viên và người lao động; tôn trọng ý kiến của đoàn viên và người lao động.

-          Báo cáo, phản ánh và thực hiện thông tin hai chiều giữa các cấp công đoàn, giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc đại diện của người sử dụng lao động.

-          Tổ chức đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc giữa tổ chức công đoàn với đại diện của người sử dụng lao động.

-          Phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

-          Đấu tranh chống những biểu hiện vị phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của công đoàn các cấp.

-          Và thực hiện các nhiệm vụ khác do tổ chức công đoàn phân công.

2.2. Cán bộ công đoàn có những quyền hạn sau:

-          Là đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

-          Được thực hiện các quyền của cán bộ công đoàn trong quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động, công đoàn.

-          Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

-          Được bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo quy định của Luật Công đoàn.

-          Được công đoàn bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ khi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do tổ chức công đoàn phân công.

-          Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác công đoàn. Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn.

-          Đặc biệt, cán bộ công đoàn không chuyên trách khi có đủ điều kiện theo quy định và có nguyện vọng được xem xét ưu tiên tuyển dụng làm cán bộ công đoàn chuyên trách khi cơ quan tuyển dụng có nhu cầu./.

 Nguyễn Thị Thái – VP Tư vấn pháp luật CĐNHVN

 (Nguồn: Trích dẫn Điều lệ CĐVN - Khóa XI và Hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐVN số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014)