Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 21:06

Tin hoạt động ngân hàng

Chính sách tiền tệ dưới góc nhìn đại biểu Quốc hội

08/06/2015

Ngành Ngân hàng đã giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề như tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giảm lãi suất…

Ngành Ngân hàng đã giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề như tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giảm lãi suất…

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015 đang bước vào thời điểm nước rút. Đây cũng là lúc đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước “chấm điểm” các ngành, lĩnh vực nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng về một nhiệm kỳ đầy sóng gió. Ngay đầu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, NHNN đã gửi tới đại biểu báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Trên cơ sở báo cáo của NHNN và qua cảm nhận thực tế từ các chính sách thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng.

Đi đúng lộ trình

Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh, bản báo cáo của NHNN gửi đến đại biểu là khá đầy đủ và chi tiết, bao hàm nhiều lĩnh vực như điều hành lãi suất, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu... “Cá nhân tôi đánh giá cao bản báo cáo này”, ông Vinh chia sẻ. Qua bản báo cáo cũng như tác động của chính sách tới thị trường tiền tệ có thể thấy, ngành Ngân hàng đã giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề đặt ra trong thời gian qua như tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, lãi suất.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều áp lực, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngân hàng phải vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng, nhưng dưới sự chèo lái của Thống đốc, chúng ta thu được kết quả đáng kể, được nhiều cử tri ghi nhận. Nếu như trước đây, thị trường vàng luôn trong tình trạng nóng thì đến nay hiện tượng đầu cơ làm giá, gây lũng đoạn thị trường đã không còn. Tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu cũng đã được thực hiện theo đúng lộ trình.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Du Lịch, cũng dành sự khen ngợi về công tác điều hành của NHNN. Về cơ bản, những nội dung mà NHNN hứa trong các kỳ họp trước, nhất là tại Kỳ họp thứ 8 cuối năm ngoái, có thể nói đang làm đúng lộ trình, trong đó có cam kết liên quan tới tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu. “Trong báo cáo và qua giám sát của chúng tôi thì ngành Ngân hàng đã nỗ lực trong điều hành chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cho vay các lĩnh vực ưu tiên…”, ông Lịch đánh giá.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng chia sẻ sự đồng tình rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã tốt lên, trong đó có vai trò đóng góp của ngành Ngân hàng. Vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, bao gồm cả lãi suất, tỷ giá hối đoái… đã có những tiến bộ rõ ràng.


Ngân hàng đã nỗ lực trong điều hành chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cho vay các lĩnh vực ưu tiên

Hỗ trợ nhiều hơn cho nông nghiệp

Ở những địa phương mà phát triển nông nghiệp vẫn là chủ yếu như Quảng Bình và Lâm Đồng... các đại biểu Quốc hội nhìn nhận hoạt động của ngành Ngân hàng trên góc độ tín dụng. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, cử tri đánh giá cao vốn tín dụng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn của hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay bằng hình thức tín chấp với lãi suất thấp, đã hỗ trợ hiệu quả cho người dân nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, các NHTM cũng đang đẩy mạnh cho vay tái canh cây cà phê ở khu vực Tây Nguyên. Tại tỉnh Lâm Đồng, đến nay dư nợ tín dụng cho vay tái canh cây cà phê là khoảng 600 tỷ đồng, cho hơn 500 lượt hộ được vay vốn, khoảng 700 ha cà phê được tái canh.

“NHNN đã có quyết định kịp thời trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay, hỗ trợ người trồng cà phê. Nếu như trước đây, lãi suất cho vay tái canh cây cà phê ở mức 8%/năm, cao so với mặt bằng lãi suất cho vay thông thường nên người dân còn vay dè dặt, thì sau khi được NHNN chỉ đạo các NHTM hạ lãi suất cho vay xuống còn 7%/năm, người dân đã mạnh dạn hơn”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhận xét.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Ngọc Phương nhìn nhận rằng, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua tăng khá mạnh. Dẫn số liệu từ báo cáo của NHNN, ông Phương cho biết, tính đến tháng 4/2015, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 58,87% so với cuối năm 2011, mức tăng khá lớn. Đây là tín hiệu tốt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tạo đà quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giữa các vùng, miền, tiến tới công bằng xã hội.

Vị đại biểu đến từ Quảng Bình cũng đánh giá cao việc hệ thống ngân hàng đang tổ chức thí điểm chương trình cho vay theo chuỗi liên kết. “Tôi rất ủng hộ và hoan nghênh việc làm này của ngành Ngân hàng và đề nghị Thống đốc NHNN và hệ thống NHTM tổng kết, triển khai rộng rãi trong cả nước, để nhân lên lợi ích cũng như góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân hiện nay”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề xuất.

Còn những khó khăn cần tháo gỡ

Đồng quan điểm trong việc ghi nhận những thành công của ngành Ngân hàng trong thời gian qua, và đóng góp thêm ý kiến, đại biểu Bùi Thị An đề nghị, thời gian tới ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, để đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm nay. Đại biểu Trần Ngọc Vinh thêm rằng: Ngành Ngân hàng cần tiếp tục với mục tiêu Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Những vấn đề như tái cơ cấu hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu cũng cần thời gian, chứ không thể một sớm một chiều, chúng ta giải quyết ngay được. Đây là những vấn đề cần tháo gỡ cả về mặt cơ chế, chính sách, thị trường…

Đề cập đến chính sách tín dụng với ngành thủy sản - một định hướng quan trọng của Chính phủ đối với ngành Ngân hàng - các đại biểu Bùi Thị An, Nguyễn Ngọc Phương và Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đều đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn đối với chính sách cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. “Cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, để ngư dân vay vốn, hình thành những đội tàu đánh bắt lớn hơn, để tăng chất lượng và sản lượng hải sản, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, đại biểu Bùi Thị An nói.

Theo đại biểu Trương Minh Hoàng thì, nguồn vốn ngân hàng đã sẵn sàng cho vay nhưng vấn đề thủ tục phê duyệt, mẫu tàu vẫn còn vướng mắc. Chẳng hạn, nhiều bà con lại quen ngư trường và họ lại muốn đóng tàu gỗ nhưng chưa có thiết kế mẫu. “Nếu đổ thừa cho ngân hàng cũng không phải mà các bộ, ngành khác phải cùng nhau giải quyết cho rõ vấn đề này”, đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị.

 

Quang Cảnh (theo TBNH)

Tin cùng chuyên mục