Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ sáu, 17/01/2025 | 20:37

Tin hoạt động ngân hàng

Sáp nhập TCTD diễn ra mạnh mẽ, an toàn

20/05/2015

Tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu là 2 trong số các nội dung đáng chú ý tại báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, vừa được NHNN gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Sáp nhập, hợp nhất còn diễn ra giữa các TCTD bình thường với nhau.

 Tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu là 2 trong số các nội dung đáng chú ý tại báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, vừa được NHNN gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Kết quả cơ cấu lại TCTD góp phần đưa 11 ngân hàng của Việt Nam vào danh sách 1.000 NH thế giới năm 2014

TCTD nỗ lực cải thiện năng lực tài chính

Liên quan đến vấn đề cơ cấu lại hệ thống TCTD, Báo cáo cho biết, các hoạt động mua, bán, sáp nhập, hợp nhất các TCTD diễn ra mạnh mẽ, an toàn và không chỉ giữa TCTD yếu kém với TCTD bình thường mà còn diễn ra giữa các TCTD bình thường với nhau hoặc giữa TCTD trong nước với TCTD nước ngoài trên nguyên tắc tự nguyện và đúng pháp luật.

Cụ thể, thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, số lượng TCTD đã giảm đi 7 tổ chức. Các TCTD đã quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ và rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại mạng lưới; Cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản, đồng thời từng bước định hướng chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ NH.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng các TCTD vẫn nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ để tạo điều kiện mở rộng hoạt động và nâng cao khả năng đối phó với các rủi ro trong hoạt động. Trong đó, vốn điều lệ của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 12/2014 là 435,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,29% so với tháng 12/2013; Tổng tài sản đến cuối tháng 12/2014 là 6.514,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng 12/2013.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân, hệ thống NH vừa bảo đảm giữ vững an toàn, không giảm đầu tư và làm gián đoạn cung cấp dịch vụ NH cho nền kinh tế cho thấy sự cố gắng rất lớn của hệ thống NH trong thời gian qua.

Với vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực NH, được đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 8, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, lĩnh vực này được xử lý từng bước thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thông qua công tác thanh tra, giám sát; hợp nhất, sáp nhập NH và ban hành các quy định pháp lý mới. Tính đến cuối năm 2014 chỉ còn 3 cặp NHTMCP có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau (giảm 3 cặp so với năm 2012); sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa NH và DN chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn điều lệ của hệ thống.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong cơ cấu lại các TCTD đã góp phần quan trọng trong việc ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn tiếp theo...

Nợ xấu tăng không nằm ngoài dự tính của NHNN

Về xử lý nợ xấu, người đứng đầu ngành NH cho biết, sau 3 năm nỗ lực cải thiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012 đã được NHNN báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng Đề án xử lý nợ xấu. Trong đó, tính lũy kế kể từ khi thành lập đến 31/12/2014, VAMC đã mua trên 137 nghìn tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ trên 111 nghìn tỷ đồng. Còn theo số liệu tính đến ngày 17/4/2015, VAMC đã mua 13.708 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 13.408 tỷ đồng; lũy kế từ khi thành lập và hoạt động đến nay đã mua được 147.263 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ 122.060 tỷ đồng.

Nhờ sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của ngành NH, nợ xấu đã được kiềm chế và xử lý một khối lượng đáng kể. Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn với những nỗ lực của từng TCTD nói riêng và hệ thống NH cũng như toàn nền kinh tế nói chung. Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,25% tổng dư nợ (cuối tháng 12/2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%). Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu đã bắt đầu giảm liên tiếp và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn.

Trong 2 tháng đầu năm 2015, nợ xấu có chiều hướng tăng nhẹ, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 2 là 3,59%. Diễn biến này mang tính quy luật, khi nợ xấu thường tăng vào các tháng đầu năm và giảm vào tháng cuối năm do tích cực xử lý nợ xấu, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài dự tính của NHNN. NHNN tiếp tục tăng cường chỉ đạo và triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu với việc ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD và các văn bản chỉ đạo các NHTM về việc xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015.

Theo đó, kế hoạch, biện pháp xử lý nợ xấu năm 2015 phải bảo đảm đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành NH phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015.

“Tuy nhiên, chỉ những cố gắng của ngành NH trong xử lý nợ xấu là chưa đủ, bởi vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế và đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và DN. Nếu không, việc xử lý nợ xấu sẽ không triệt để và không đạt kết quả như mong muốn”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

*

Dự kiến, đến ngày 30/6/2015 sẽ xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015. Trong đó, chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành NH phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015.

 

Đức Nghiêm (theo thoibaonganhang)

Tin cùng chuyên mục