[In trang]
Công đoàn NHVN thăm và tặng quà nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý
Thứ năm, 02/10/2014 - 10:57
Ngôi nhà nhỏ màu xanh mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang sống rất dễ nhận ra trong hẻm 94, đường Trần Khắc Chân, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Khi chúng tôi vào thăm, sau phút đầu khá ngạc nhiên, người nhạc sĩ già vui mừng ngay khi biết chúng tôi là cán bộ Công đoàn NHVN - một Ngành mà ông đã sáng tác một ca khúc “để đời”: “Em đi làm tín dụng”.

Ngôi nhà nhỏ màu xanh mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang sống rất dễ nhận ra trong hẻm 94, đường Trần Khắc Chân, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Khi chúng tôi vào thăm, sau phút đầu khá ngạc nhiên, người nhạc sĩ già vui mừng ngay khi biết chúng tôi là cán bộ Công đoàn NHVN - một Ngành mà ông đã sáng tác một ca khúc “để đời”: “Em đi làm tín dụng”.

Căn nhà chừng hơn chục m2 với đa phần là vật dụng sinh hoạt của những năm 80 - 90 làm chúng tôi chạnh lòng về gia cảnh của ông giữa đất Sài Gòn hoa lệ. Ở độ tuổi 91, lại bị căn bệnh thoát vị đĩa đệm và 3 lần tai biến mạch máu não, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý làm cho chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về sự minh mẫn của ông. Ông kể rất nhiều về những năm tuổi trẻ, về quá trình hoạt động văn nghệ của mình. Nhạc sĩ rất phấn chấn khi anh Nguyễn Văn Tân (Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn NHVN) cảm ơn ông đã sáng tác ca khúc “Em đi làm tín dụng” - một ca khúc mà các thế hệ cán bộ ngân hàng đều yêu thích. Và đến nay, hầu như chưa có ca khúc nào về ngành Ngân hàng “vượt qua” được ca khúc đó của ông về cả tâm thế và giai điệu.

Lần đầu tiên chúng tôi được biết rõ về kỷ niệm của ông đối với ngành Ngân hàng và hoàn cảnh ông sáng tác ca khúc này. Nhạc sĩ rất hào hứng khi kể về những kỷ niệm của ông với ngành Ngân hàng, đặc biệt là với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Dương (thời kỳ đó gọi là Tổng Giám đốc. Ông Trần Dương là Tổng Giám đốc NHNN từ tháng 04/1977 đến tháng 02/1981).


Đại diện lãnh đạo Công đoàn NHVN thăm và tặng quà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Ông tâm sự: tôi đặc biệt quý trọng và cảm phục ông Trần Dương. Hồi đó ông Trần Dương dù là Tổng Giám đốc NHNN nhưng lại rất coi trọng dân văn nghệ chúng tôi và đối đãi với cá nhân tôi vô cùng đặc biệt. Ông Trần Dương thường xuyên mời tôi đến dùng cà phê và trò chuyện. Ông là một người trí tuệ và rất nhân hậu. Chính vì cảm phục ông Trần Dương và trọng cách đối xử của ông, nên tôi thấy cần phải làm một việc gì đó để đáp lại ân tình ấy. Và tôi nghĩ ngay đến sáng tác một ca khúc về cán bộ ngân hàng. Tôi có bày tỏ ý định đó và mong muốn được tiếp xúc với một nữ cán bộ ngân hàng. Ông Dương đồng ý ngay và giới thiệu một nữ cán bộ ngân hàng người dân tộc Tày đến gặp tôi. Bây giờ tôi không còn nhớ tên cô gái đó nữa, nhưng chỉ sau vài phút chuyện trò, tìm hiểu thêm một số thông tin từ cô cán bộ người Tày, tôi đã phác họa được “dàn bài” về bài hát này. Tôi vui lắm, khi một cô ca sĩ hát bài này lần đầu tiên, ông Trần Dương chấp nhận và thích bài hát ngay. Tôi chỉ lo khi hát lên ông Trần Dương không thích, vì như vậy là tôi chưa thể hiện được tình cảm quý trọng đối với cá nhân ông Dương và những cán bộ ngân hàng. Tôi cũng rất cảm động vì từ đó đến nay, bài hát của tôi vẫn được cán bộ ngân hàng quý trọng như vậy.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn bộc bạch: nhiều người cứ khen tôi tài hoa khi sáng tác một ca khúc về ngành Ngân hàng hay đến thế, nhưng tôi lúc nào cũng trả lời, tôi chỉ một “thư ký” mà thôi. Nếu lãnh đạo mà không nói chuyện, không chia sẻ về công việc ngân hàng thì tôi lấy gì mà viết. Nhiều người nói tôi khiêm tốn, nhưng đúng là không phải thế, tôi tự thấy tôi chỉ là người ghi chép lại tinh thần của cán bộ ngân hàng bằng những lời ca. Đó là cách ghi chép riêng của tôi mà thôi.

Chúng tôi không phân trần với nhạc sĩ là ông tài hoa, hay ông là “thư ký”, nhưng chúng tôi đều biết, không phải ai cũng là người “thư ký tài hoa” như ông được. Và đúng là, khi tác phẩm âm nhạc hoặc một sản phẩm của sự sáng tạo nào đó được xuất phát từ tình cảm, từ sự tự nguyện của tác giả thì tác phẩm sẽ tự có sự lay động lòng người, mà khó có thể diễn tả được bằng lý trí.

Sau một hồi chuyện trò bên chiếc giường của ông, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cứ nhất định đòi ngồi dậy để ra phòng khách mời anh em chúng tôi một tách trà. Ông còn hát vài câu hát của nhạc sĩ Phạm Duy - người nhạc sĩ đàn anh mà ông rất yêu quý - cho chúng tôi nghe. Giọng ông buồn bã: ông Duy hơn tôi 02 tuổi, cũng ra đi vài năm rồi, tôi may lắm chắc cũng sống được chừng 02 năm nữa thôi. Rồi ông say sưa kể về những kỷ niệm của ông và nhạc sĩ Phạm Duy thời nhạc sĩ Phạm Duy chưa sang sinh sống tại Hoa Kỳ.

Lúc chia tay, ông bịn rịn lắm, cứ nắm chặt tay mấy anh em chúng tôi. Ông rất cảm động vì chúng tôi từ Hà Nội vào thăm và tặng quà ông. Anh Nguyễn Văn Tân trao tặng ông 05 triệu đồng. Món quà không lớn, nhưng đây là tình cảm của cán bộ Công đoàn NHVN dành cho nhạc sĩ, với mong muốn được chia sẻ chút khó khăn với hoàn cảnh hiện tại của ông.

Chia tay ông mà trong tôi vẫn ngập tràn một sự yêu mến, thương cảm. Và những lời ca của ca khúc “Em đi làm tín dụng” cứ vang mãi “…Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng, làm tín dụng. Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ, nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô…”.

Phạm Liên

 Mọi ủng hộ cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có thể liên lạc với ông theo số điện thoại: 08. 3843 6169.