Phát biểu tại đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (NHVN) Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc thành lập công đoàn cơ sở tại các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, giúp người lao động được chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, thụ hưởng một chính sách nhân văn và ưu việt riêng có của Đảng và Nhà nước. Đồng thời còn giúp tăng cường sự gắn kết giữa đơn vị, doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực cho sự phát triển của đơn vị nói riêng và toàn Ngành nói chung.
Lợi ích đã rõ, nhưng còn e ngại
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn NHVN Nguyễn Khánh Chi cho biết, hiện có 60 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong số này có 05 đơn vị đã thành lập tổ chức công đoàn, còn lại chưa có tổ chức công đoàn với số lượng khoảng 8.250 người lao động.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012, từ năm 2013 đến nay các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh tại Việt Nam đã thực hiện trích nộp 2% kinh phí công đoàn về Công đoàn Ngân hàng Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Ban Tài chính Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, hiện có 55 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, công ty tài chính chưa thành lập công đoàn cơ sở hàng năm đều thực hiện trích nộp 2% kinh phí công đoàn.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh việc thành lập CĐCS không chỉ có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp
Với số kinh phí này, căn cứ hướng dẫn hàng năm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trong tổng số thu kinh phí công đoàn thu được của các đơn vị để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) chưa thành lập công đoàn, trong đó có các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam luôn thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động khi có văn bản, yêu cầu liên quan đến đăng ký nội quy lao động, xử lý kỷ luật và hoạt động thu chi tài chính công đoàn, cũng như hỗ trợ các đơn vị trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Trong đó Công đoàn NHVN đã có ý kiến đối với việc ban hành nội quy lao động của các đơn vị, làm cơ sở để tổ chức thực hiện nội quy lao động tại đơn vị; có ý kiến đối với việc xử lý kỷ luật lao động với đại diện người sử dụng lao động tại các đơn vị để đảm bảo việc thực hiện xử lý kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động tại các đơn vị.
Công đoàn NHVN cũng thực hiện tốt việc phối hợp với đại diện người lao động tại các đơn vị chưa thành lập công đoàn cơ sở để chăm lo cho người lao động từ nguồn 2% kinh phí công đoàn thông qua việc chi cho các hoạt động phong trào văn hóa thể thao mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Việc phối hợp tốt với các ngân hàng, TCTD chưa thành lập công đoàn cơ sở để chăm lo cho người lao động ở các đơn vị này đã góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động tại đơn vị.
Đ/c Nguyễn Khánh Chi - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn NHVN báo cáo tại hội nghị
Hiểu rõ lợi ích từ hoạt động Công đoàn, tại hội nghị đại diện một số tổ chức tín dụng nước ngoài như Kookmin Bank, KEB-Hana Bank, WooriBank cho biết, đã thấm nhuần tư tưởng cần phải thành lập công đoàn cơ sở để tạo phúc lợi tốt hơn cho người lao động và sau hội nghị sẽ trao đổi với lãnh đạo cấp cao, có thể sớm thành lập công đoàn cơ sở.
Tuy nhiên, một số TCTD nước ngoài thậm chí có thâm niên hoạt động 10 - 30 năm tại Việt Nam lại chưa mặn mà. Đại diện của các TCTD này cho biết họ hiểu tầm quan trọng của hoạt động công đoàn, tuy nhiên, lý do chưa lập công đoàn cơ sở là do quy mô nhỏ, cán bộ tập trung cho chuyên môn nên lo ngại việc tổ chức các sự kiện tập trung khó khăn. Thêm vào đó nhiều người khi xem đến nhiệm vụ của thành viên ban chấp hành, thì lo trách nhiệm nặng nề, quy trình phức tạp nên không muốn tham gia. Đồng thời có TCTD cho rằng, phúc lợi cho nhân viên đã tốt, thậm chí cao hơn mặt bằng chung của Việt Nam và luôn tuân thủ về các quy định lao động nên tạm thời không có nhu cầu thành lập tổ chức công đoàn. Thậm chí đại diện một TCTD cho biết vì sự hỗ trợ của Công đoàn NHVN quá tốt nên chưa bao giờ nghĩ tới thành lập công đoàn cơ sở. Có TCTD nước ngoài cho biết trước đây nói đến công đoàn là họ e ngại vì ở quốc gia họ công đoàn do các nghiệp đoàn thành lập nhiều khi có quan điểm trái chiều, gây bất lợi với doanh nghiệp.
Thời điểm tốt nhất để thành lập công đoàn cơ sở
Trước những băn khoăn của các TCTD nước ngoài, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn NHVN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội rộng lớn đặt dưới sự lãnh đạo quản lý của Đảng và Nhà nước Việt Nam khác với nhiều nước công đoàn là tổ chức phi chính phủ do các nghiệp đoàn thành lập. Nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam chủ yếu là tạo điều kiện cho người lao động làm tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động tại các DN trong nước và DN nước ngoài. Mỗi ngành nghề có công đoàn riêng hoạt động với cơ cấu từ Trung ương xuống địa phương. Công đoàn NHVN là 1 trong 11 tổ chức công đoàn ngành nghề tại Việt Nam.
“Nhiệm vụ công đoàn là bảo đảm quyền của một công dân tại các đơn vị DN chứ không phải để đối kháng với ông chủ và tổng giám đốc" Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích và cho biết, việc người lao động được tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội như công đoàn sẽ cho họ cảm giác được xã hội quan tâm, đãi ngộ và được đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng (như các hoạt động an sinh xã hội) hay những hoạt động có tính chất ngành nghề cộng đồng như thể thao, văn hóa, các cuộc thi chuyên môn. Bên cạnh đó là những quyền lợi khác như quyền được vào Đảng, quyền được thể hiện, quyền được cống hiến cho đất nước và quyền được bảo vệ.
“Trong khi chúng ta cũng là một người lao động trong ngành Ngân hàng nhưng những người lao động trong các TCTD nước ngoài lại không được tham gia được hưởng thụ như những đoàn viên công đoàn trong Ngành thì đó là một thiệt thòi", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc cũng chỉ ra một tính chất khác của Công đoàn Việt Nam đó là luôn đồng hành cùng DN đưa ra các giải pháp góp phần hoạt thành nhiệm vụ của đơn vị; tránh đình công, khiếu nại... ảnh hưởng đến hoạt động thông qua việc nắm bắt sớm tâm tư nguyện vọng của người lao động để từ đó có những động viên ngăn chặn người lao động có tư tưởng không tốt chống đối lại DN.
Đi vào cụ thể hơn với ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng là một ngành nghề hoạt động theo quy định và dưới sự quản lý của Nhà nước và tuân thủ các quy định pháp luật. Các TCTD nước ngoài không tham gia vào tổ chức công đoàn với tư cách thành viên Công đoàn NHVN thì người lao động có cảm giác mình không được tham gia vào các hoạt động trong ngành, không được chia sẻ thông tin, không tạo được sự thân mật gần gũi giữa những người lao động trong ngành để học hỏi cũng như tạo thuận lợi trong quan hệ trong công việc.
Phó Thống đốc cũng chỉ ra các TCTD nước ngoài phải đóng 2% chi phí công đoàn theo luật pháp Việt Nam vào Công đoàn NHVN. Nếu có tổ chức công đoàn thì kinh phí đó được chuyển lại 75% để các tổ chức quản lý và tự chủ chi tiêu sự dụng cho người lao động. 25% còn lại Công đoàn NHVN tổ chức các hoạt động diễn đàn, phong trào. "Đây không chỉ là sân chơi cho người lao động mà cũng là dịp để quảng bá thương hiệu hình ảnh của chính DN. Như vậy việc không thành lập công đoàn cơ sở sẽ gây thiệt hại về mặt kinh tế cho chính DN và người lao động không được hưởng quyền lợi của họ" Phó Thống đốc phân tích
Hơn nữa cũng là người lao động ngành Ngân hàng, thành quả lao động cống hiến của người lao động của các TCTD trong nước được Đảng và Nhà nước, ngành Ngân hàng, cũng như công đoàn ghi nhận, còn người lao động khu vực nước ngoài lại không được cũng là một thiệt thòi. Dù những phần thưởng này không lớn nhưng có tính chất động viên về mặt tinh thần.
Với tất cả những quyền lợi như trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, hoạt động công đoàn là cần thiết, thiết thực với đời sống người lao động. Từ kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực công đoàn, ông cũng cho rằng việc kiêm nhiệm thêm hoạt động công đoàn không có gì nặng nề. Đặc biệt với những người trẻ, đây là hoạt động trải nghiệm để có thêm kinh nghiệm tổ chức các hoạt động tập thể. Còn những cán bộ thì đó là niềm vui khi được đóng góp cho xã hội nhiều hơn, tạo sự đoàn kết, chia sẻ gắn bó của người lao động với DN.
Tại hội nghị Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, chủ trương của Ban thường vụ Đảng ủy NHNN, Ban lãnh đạo NHNN và Công đoàn NHVN, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức công đoàn theo hệ thống ngành Ngân hàng tập trung, thống nhất từ trung ương tới cơ sở theo chỉ đạo Bộ Chính trị. Phó Thống đốc cho biết việc thành lập công đoàn cơ sở tại các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là quyền tự nguyện. Nhưng ông đề nghị các TCTD tư nhân và nước ngoài thực hiện chủ trương đó để đảm bảo lợi ích cho người lao động.
Phó Thống đốc đề nghị các đại diện của các TCTD nước ngoài có mặt, sau Hội nghị này sẽ có báo cáo giải trình thuyết phục với đơn vị mình về việc thành lập công đoàn cơ sở. Những vấn đề chưa hiểu có thể trao đổi thêm với Công đoàn NHVN. Cần thiết thì có thể tổ chức thêm hội nghị mời đích danh lãnh đạo các TCTD nước ngoài đến để làm rõ cho họ hiểu bản chất hoạt động công đoàn Việt Nam là mang lại quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Đây là điều mà Đảng và Nhà nước mong muốn và cũng là chính sách ưu việt riêng có của Việt Nam. Việc vận động TCTD nước ngoài thành lập công đoàn cơ sở không hàm ý gì ngoài mục tiêu đem đến quyền lợi thêm cho chính DN và người lao động, tạo thành khối sức mạnh của ngành từ chuyên môn đến đoàn thể để đem quyền lợi hữu ích chung cho ngành và người lao động.
Phó Thống đốc chỉ ra ở nhiều nước cũng quy định các DN phải có tổ chức công đoàn. Các DN tuân thủ ở nước sở tại thì không có lý do gì không triển khai tại Việt Nam. Ông hy vọng tới có thêm người lao động, tổ chức công đoàn, tham gia hoạt động chung của ngành.
Minh Ngọc - Hoàng Giáp